20/2/12

Thắt lòng trước bé 7 tháng tuổi không biết cười


Thắt lòng trước bé 7 tháng tuổi không biết cười
Các thông tin liên quan:
Rẻ nữa.vn - Cuộc sống chẳng mấy dư giả khi nuôi đến 7 người con, nhưng hai anh chị vẫn dang rộng vòng tay để đem cậu bé về chăm bẵm, chạy chữa bệnh tật từng ngày

Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh này không ai nghĩ Bảo Cung đang mang trong mình nhiều dị tật bẩm sinh
Em không thể khóc, không thể cười thành tiếng bởi căn bệnh bẩm sinh quái ác. Mọi cung bậc cảm xúc của con người chỉ được thể hiện qua tiếng khò khè tắc nghẹn của ống khí quản được mở dưới cổ. Một tiếng cười với em giờ là giấc mơ quá đỗi xa xôi.
 
Cậu bé có cái tên rất đẹp, Nguyễn Bảo Cung nhưng cuộc đời em thì nhiều nỗi đau và bất hạnh. Gần 7 tháng tuổi, em khá cứng cáp so với những đứa trẻ khác. Được mẹ Xuân nâng, bé Cung cứ như đang nhảy múa, cái miệng bé xíu muốn reo vui nhưng chẳng thể phát ra âm thanh. “Chẳng ai nghĩ Cung sống được đâu cô ạ. Rứa mà nay được thế này rồi”, chị Nguyễn Thị Xuân (50 tuổi) âu yếm nhìn đứa con nuôi bị người ta bỏ rơi cứ như con ruột của chính mình.
Cũng giống như phần nhiều người dân ở đây, vợ chồng chị Nguyễn Thị Xuân, anh Nguyễn Trọng Vịnh cũng sinh nhiều con. Đông con, ruộng ít lại không có nghề ngỗng gì nên cuộc sống không mấy dư giả. 7 đứa con, giờ chị đã lên chức bà nội, bà ngoại nhưng chưa được thảnh thơi như những người khác khi cô con gái út Nguyễn Thị Dung mắc phải chứng bệnh động kinh, lúc mê lúc tỉnh. Ấy thế nhưng, người phụ nữ nơi làng quê heo hút này lại một lần nữa dang rộng vòng tay để đón về nhà một sinh linh mà phần chết nhiều hơn phần sống.
“Hồi tháng 7/2011, tôi nhận được một cú điện thoại của người bà con trong Nam thông báo vừa nhặt được một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng nhà. Người ta không có điều kiện nuôi nên gọi điện ra cho mình nhờ nuôi đứa bé. Tự nhiên tôi thấy mình và đứa bé bất hạnh đó có sợi dây liên kết nào đó nên bàn với chồng nhận nuôi. Ngày 27/7/2011, họ mang bé ra ngoài này. Nhìn tội lắm, bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ nên trông nó chẳng khác gì con mèo hen. Thằng bé không khóc được vì có nhiều dị tật ở miệng. Thương con quá, vợ chồng tôi không nỡ…”

20 ngày tuổi em đã phải mở nội khí quản để có thể duy trì nhịp thở yếu ớt
Vậy là thằng bé trở thành đứa con thứ 8 của vợ chồng chị, được đặt tên Nguyễn Bảo Cung. Thương em, mấy đứa con chị không những không phản đối mà còn động viên bố mẹ rồi phụ chăm sóc em. Nói là chăm sóc em nhưng một đứa trẻ như thế thì chỉ có chị Xuân mới có thể kham nổi. Về nhà mới được 2 ngày thì Bảo Cung phải nhập viên để điều trị vì không thở được, người cứ đỏ rồi tím dần.
“Vào bệnh viện, các bác sỹ cho biết Bảo Cung bị đa dị tật bẩm sinh, không có xương hàm dưới, tắc hai dây thanh quản, hở hàm ếch trong, lưỡi tụt vào họng nên không tự thở được. Cháu phải thở máy. Được 20 ngày thì các bác sỹ quyết định đặt nội khí quản cho cháu nhưng bảo vợ chồng tôi chuẩn bị lo hậu sự vì tình hình sức khỏe của Cung quá xấu. Mấy lần máy báo nhịp tim cháu về số 0, các bác sỹ bảo không còn hy vọng nữa thì nó lại đập lại. Cháu lại được chuyển thẳng ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Chưa được 1 tháng, thấy cháu có vẻ đỡ, lúc đó tiền trong túi cũng cạn sạch nên hai vợ chồng lại ôm con về nhờ cậy các bác sỹ ở Bệnh viện Nhi Nghệ An”, chị Xuân kể tiếp.
Nhưng đổi lại em được nhận nhiều tình yêu thương từ bố mẹ nuôi

Nguyễn Ngọc Sơn - con trai thứ 3 của chị Xuân cho biết: “Em Cung bị dị tật ở miệng nên khóc cũng không thành tiếng. Lần đầu tiên từ Sài Gòn về, mẹ bảo em trông coi Cung để đi làm. Không thấy Cung khóc như những đứa trẻ khác nên em nghĩ Cung vẫn khỏe. Rồi nghe thấy tiềng khọt khẹt phát ra từ ống thở dưới cổ ngày càng nặng, da em ấy bắt đầu đỏ lên rồi tím tái, em mới cuống cuồng gọi điện cho mẹ về. Nếu lần đó mẹ không về kịp chắc em Cung có chuyện rồi”. Mặc dù 7 đứa con của chị Xuân và bé Bảo Cung không có quan hệ ruột rà máu mủ nhưng nhìn các con chăm sóc, nựng nịu Bảo Cung, anh chị cũng thấy yên tâm phần nào.
Gần7 tháng tuổi, thứ duy nhất mà Bảo Cung ăn được là sữa bột pha loãng. Nhìn cảnh chị Xuân bón cho con từng thìa bột mới thấy hết những khó khăn trong việc chăm sóc một đứa trẻ đa dị tật như Bảo Cung. Thìa bột đưa vào miệng nhưng nếu Cung thở thì sẽ bị trào ngược ra mũi hoặc trào qua ống thở dưới cổ. Từ ống thở bé xíu, những tiếng khọt khẹt phát ra mỗi lúc một gấp gáp. Những lúc như thế, chị Xuân phải dùng bình sữa rỗng cho Cung bú để “đẩy” sữa vào trong.
Toàn bộ số tiền tích cóp được đều đã được dùng để níu giữ tính mạng cho Cung nên anh chị đành xin bệnh viện cho cháu về nhà chăm sóc. Thế nhưng với thể trạng yếu ớt, gần như cứ đều đặn mỗi tuần 2-3 lần anh chị phải bắt taxi đưa con xuống viện. Giờ để Cung có thể thở được, cứ 2 lần, các bác sỹ phải tiến hành hút đờm trong cổ cho em. Không tính chi phí chạy chữa, thời gian, chỉ tính riêng tiền taxi đi về giữa bệnh viện và nhà thì mỗi tuần cũng ngốn của anh chị hết gần 500.000 đồng.
“Từ hồi có Bảo Cung, gần như chưa đêm nào vợ chồng tôi được ngủ một giấc đúng nghĩa. Bởi sợ chỉ cần mình sơ sẩy một chút thì có thể sẽ mất con mãi mãi. Bởi vậy, đêm nào hai vợ chồng cũng phải thay phiên nhau thức canh con. Giờ tôi chỉ ước sao con mình có thể khóc, có thể cười như những đứa trẻ khác nhưng các bác sỹ bảo cần một số tiền lớn lắm, cả trăm triệu đồng như chơi. Số tiền đó, vợ chồng tôi kham sao nổi khi chỉ có mấy sào ruộng khoán và tiền công phụ hồ của anh Vịnh”, chị Xuân thở dài buồn bã.
Và tình yêu của những người anh chị không cùng huyết thống

Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Nguyễn Đăng Huề - Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Nghệ An cho biết: “Hiện tại bệnh tình của bệnh nhân Nguyễn Bảo Cung đã khá hơn rất nhiều so với ngày mới nhập viện. Duy trì được sự sống cho bệnh nhân Nguyễn Bảo Cung trong thể trạng của cháu như bây giờ đã là một kỳ tích rồi. Tuy nhiên với quá nhiều dị tật ở miệng thì việc ăn uống của cháu hết sức khó khăn, chỉ có thể ăn được sữa loãng bởi không có lưỡi để đẩy thức ăn vào trong cuống họng nên một lượng thức ăn sẽ trôi vào khí quản có thể gây nguy hiểm cho cháu.
Để bệnh nhân có thể thở bình thường, có thế khóc, cười thì phải trải qua ít nhất 4 cuộc đại phẫu thuật: Đầu tiên phải phẫu thuật ghép xương hàm, đẩy hàm ra rồi kéo lưỡi ra và cố định đúng vị trí, tạo dựng hàm ếch và đóng khí quản đã mở trước đây. Nói chung, đó sẽ là một quá trình phức tạp và hết sức tốn kém”.
Một điều kỳ diệu đã được thắp lên từ tình yêu thương của hai vợ chồng nông dân Nguyễn Thị Xuân. Nhưng em Cung vẫn đang cần một phép màu nữa để hạnh phúc đến với mình trọn vẹn hơn. Xin hãy cho em một tiếng cười, xin hãy để em được cất tiếng khóc như những đứa trẻ khác!
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét